TP.HCM sẽ có trung tâm Logistics tầm cỡ khu vực

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải, áp dụng công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP.HCM.

Cảng Cát Lái (TP.HCM) hiện là cảng container có lợi nhuận và quy mô hàng đầu Việt Nam, đồng thời lọt vào top 21 cảng hàng đầu thế giới, là một trung tâm dịch vụ logistics hàng đầu của TP.HCM và khu vực.
Cảng Cát Lái (TP.HCM) hiện là cảng container có lợi nhuận và quy mô hàng đầu Việt Nam, đồng thời lọt vào top 21 cảng hàng đầu thế giới, là một trung tâm dịch vụ logistics hàng đầu của TP.HCM và khu vực.

Chương trình hành động vừa được ban hành của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết 31/NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiện vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 87/2023/NQ-CP ngày 02/6/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị, đã nêu rõ như vậy.

Trong chương trình hành động này, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án trọng điểm vào năm 2026, gồm: Cao tốc Bến Lức – Long Thành, nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP.HCMđoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, dẩy nhanh tiến độ đâu tư mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM – Long Thành, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, đường sắt cao tốc Sài Gòn – Cần Thơ…

Các dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cũng được Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ, phối hợp đẩy nhay tiến độ đầu tư bằng nguồn vốn trung ương, vốn ngân sách địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Về vận tải, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng vận tải hành khách, hạ tầng logicstics, nâng công suất xếp dỡ hàng hóa, công suất các kho chứa cảng biển, đầu tư đón đầu các chuỗi cung ứng nhằm hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logicstics tầm cỡ khu vực. Đồng thời sẽ từng bước cơ cấu lại thị phần, ưu tiên phát triển thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực vận tải đường bộ. 

Về quy hoạch cảng biển, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu, cập nhật cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050.

Về nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư các trung tâm logistics, các ICD gắn với các đầu mối vận tải lớn, đường sắt đô thị. Sẽ ưu tiên bố trí và phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM, nhất là hình thức đối tác công tư.

Bảo đảm gắn kết quy hoạch ngành vào quy hoạch địa phương để đồng bộ quy hoạch; trong đó gắn kết giữa phát triển giao thông vận tải với các ngành công nghiệp, dịch vụ, logistics, phát huy tiềm năng thế mạnh của TP.HCM.

Cũng về lĩnh vực vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải, áp dụng công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP.HCM.

Đồ án quy hoạch giao thông vùng TP.HCM đã được phê duyệt, cho biết hệ thống giao thông đường bộ gồm sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 353 km. Đến nay chỉ mới 2/6 tuyến cao tốc đã hoàn thành (cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây), một tuyến đang xây dựng là cao tốc Bến Lức – Long Thành. Các tuyến vành đai gồm đường Vành đai 2 còn đang khởi động, đường Vành đai 4 đang công tác chuẩn bị. Các tuyến đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả giao thương hàng hóa hai chiều giữa Thành phố với các tỉnh.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia logistics, để khơi thông nguồn lực logistics, cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, làm sao cho phát huy được tổng hòa lợi ích.

Đề án “Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của Thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 – 15%.

Cũng theo quy hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha. Bao gồm: Trung tâm Cát Lái – Phú Hữu – TP. Thủ Đức, diện tích 292 ha; trung tâm Long Bình – TP. Thủ Đức, diện tích 54 ha; trung tâm ở Linh Trung – TP. Thủ Đức, diện tích 74 ha; trung tâm ở huyện Củ Chi, diện tích 15 ha; trung tâm Tân Kiên, huyện Bình Chánh có diện tích 60 ha; trung tâm ở cảng Hiệp Phước –  Nhà Bè, diện tích 100 ha; trung tâm Tân Hiệp, huyện Hóc Môn với diện tích 150 ha.

Ngoài ra, các dự án có chức năng tương tự trung tâm logistics, như kho lạnh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi,… cũng đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *